9h tối ngày 4/12, tài xế Bùi Hải Châu chỉnh lại áo vest, xỏ giày rồi di chuyển đến điểm đón khách trên đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Đây là chuyến đầu tiên trong buổi tối, không lâu sau khi anh vừa hoàn thành chuyến đi lúc cuối giờ chiều, đưa một khách về nhà sau bữa tiệc trưa. "Tôi có nhiệm vụ đưa chiếc xe và chủ nhân của nó về nhà an toàn sau bữa nhậu", nam tài xế 38 tuổi, ở quận Long Biên giải thích thêm về công việc.

Đến điểm đón sau 15 phút di chuyển, anh nhận chìa khóa, xác nhận lại địa chỉ, lịch trình của khách sau đó xin phép lấy điện thoại quay video hiện trạng bên ngoài xe và trong khoang lái, đặc biệt các vị trí có vết xước hoặc biến dạng. "Đây sẽ là bằng chứng đề phòng trường hợp khách khiếu nại mình gây hư hỏng phương tiện của họ", anh Châu nói. Cuối cùng, anh đưa khách một chiếc túi zip đề nghị họ cất điện thoại, đồng hồ, trang sức có giá trị vào đó và dặn giữ cẩn thận trước khi xe lăn bánh.

Từng có 12 năm kinh nghiệm lái taxi, sau chuyển qua nghề dạy lái xe, đang có thu nhập ổn định nhưng ba tháng trước, Châu quyết định chuyển sang nghề lái xe cho người say khi liên tục chứng kiến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc do không làm chủ được tay lái vì rượu bia. Quyết định này ban đầu bị bạn bè, gia đình phản đối dữ dội do mọi người nghĩ đây là dịch vụ mới, thu nhập thấp.

"Không chỉ tính mạng người lái mà người ngồi sau, người tham gia giao thông có thể bị ảnh hưởng. Tôi muốn làm gì đó để thay đổi nhận thức và hành động của chính những tài xế này", anh Châu nói.

Thực trạng mất an toàn khi tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia đang là vấn nạn khá nhức nhối ở Việt Nam. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 11 tháng đầu năm 2022, xảy ra hơn 10.000 vụ tai nạn, làm chết 5.800 người trong đó khoảng 40% số vụ và 11% số người chết có liên quan rượu bia.

Anh Phạm Văn Phương, 48 tuổi, ở huyện Hoài Đức, một khách hàng từng nhiều lần sử dụng dịch vụ của công ty anh Châu cho biết, ngoài đảm bảo an toàn về tính mạng, tiết kiệm tiền taxi, phí gửi xe qua đêm tại quán ăn và tránh nỗi lo xe bị bẻ gương, trộm đồ hoặc xảy ra va quẹt... việc thuê người đưa ôtô và chủ về nhà khi say còn giúp tránh được mức phạt hàng chục triệu đồng.

Dịch vụ lái xe hộ khi tài xế say xỉn nhằm đảm bảo an toàn cho chủ xe, tránh việc bị xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh minh họa: Silversea

Dịch vụ lái xe hộ khi tài xế say xỉn nhằm đảm bảo an toàn cho chủ xe, tránh việc bị xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh minh họa: Silversea

Khác với công việc lái taxi chỉ cần mặc đồng phục của hãng, đón trả khách đúng điểm, anh Châu cho biết việc làm tài xế đưa xe và người uống rượu bia về nhà đòi hỏi khá nhiều thủ tục. Anh phải mặc âu phục lịch sự, chỉn chu, thực hiện đầy đủ các quy định chào, mở cửa, bật camera hành trình và đưa túi zip để khách đựng vật dụng có giá trị.

"Thời gian đầu có người phàn nàn, kêu lắm thủ tục rắc rối nhưng vì muốn đảm bảo quyền lợi của khách, chúng tôi cố giải thích để họ hiểu", nam tài xế nói.

Dịch vụ lái xe đưa phương tiện và người đã uống rượu bia về nhà rất phát triển ở Hàn Quốc, Trung Quốc. Công việc như của anh Châu được người Hàn Quốc gọi là daeri unjeon, vốn bắt đầu phát triển từ cuối những năm 1990. Trong thập kỷ qua, dịch vụ này là một trong những ngành phát triển nhanh nhất của Hàn Quốc với khoảng hơn 5.500 công ty và 120.000 tài xế. Trung bình mỗi ngày có hơn 400.000 người Hàn Quốc gọi tài xế 'daeri unjeon".

Ở Việt Nam, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực từ năm 2019, nhu cầu thuê tài xế lái xe về nhà sau khi chủ xe uống rượu bia bắt đầu xuất hiện. Một số đơn vị đã cho ra mắt dịch vụ cho thuê tài xế lái xe cao cấp, chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Anh Trần Mạnh Trường, giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đưa đón khách say về nhà tại Hà Nội từ tháng 9/2022 cho biết ý tưởng mở dịch vụ vì muốn giảm số vụ tai nạn thương tâm do rượu bia gây ra và nắm bắt nhu cầu nhiều người sử dụng ôtô để đi liên hoan, ăn nhậu nhưng không thể lái về khi uống quá chén.

Là dịch vụ khá đặc thù nên khâu tuyển chọn tài xế rất khắt khe. Toàn bộ lái xe trong công ty của anh Trường phải có bằng B2, ít nhất 5 năm kinh nghiệm, có thể lái đa dạng từ xe thường đến xe sang trọng, hiện đại; phải có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội, lý lịch rõ ràng và phải trải qua các lớp đào tạo, huấn luyện bài bản từ trang phục cho đến cách phục vụ.

Ngoài việc lái chậm, đảm bảo vận tốc an toàn, xin phép quay lại toàn bộ hiện trạng xe trước khi nhận bàn giao, tài xế có trách nhiệm bảo quản tài sản có giá trị của chủ xe dưới sự giám sát của camera được công ty cung cấp.

"Chúng tôi làm những điều này để có thêm bằng chứng trong trường hợp khách phản hồi xe bị xước xát hoặc xảy ra sự cố ngoài ý muốn sau khi giao xe. Dựa theo camera ghi lại, đơn vị sẽ giải quyết khiếu nại một cách khách quan, minh bạch nhất", anh Trường chia sẻ và cho biết thêm, trong trường hợp khách bất tỉnh, tài xế sẽ hỗ trợ dìu lên phòng và bàn giao xe cùng vật dụng cá nhân cho người thân trong gia đình.

Chi phí cho mỗi lần hỗ trợ ban đêm của đơn vị anh Trường dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, phụ thuộc vào kinh nghiệm của tài xế, quãng đường di chuyển, thời gian phục vụ. Riêng giá cho thuê tài xế nguyên ngày khoảng một triệu đồng.

So với mặt bằng chung của các dịch vụ tự phát, chi phí cho thuê tài xế của đơn vị anh Trường nhỉnh hơn. Lý giải về điều này, anh cho rằng công ty muốn hướng đến nhóm khách muốn trải nghiệm các dịch vụ cao cấp, đề cao sự an toàn của bản thân và chiếc xe sở hữu.

Sau ba tháng triển khai, với 10 tài xế làm toàn thời gian và hợp tác, trung bình mỗi tài xế của anh Trường nhận 1-2 yêu cầu một ngày, chưa kể lượng khách đặt tài xế cả ngày. Khách đặt lịch đều là nam giới, trong độ tuổi từ 28 đến ngoài 50, thường đặt xe từ 8 giờ tối đến 11 giờ đêm, các ngày trong tuần. Lượng khách đặt xe có xu hướng tăng mạnh vào dịp cuối năm, 50% người từng đặt dịch vụ đã đặt lại.

Ngoài mục tiêu mở rộng mô hình tại các tỉnh, thành phố có lưu lượng ôtô lớn ở miền Bắc, đơn vị của anh Trường đang nghiên cứu triển khai dịch vụ tài xế nữ phục vụ chị em, nhằm đem đến sự tiện nghi, thoải mái trong suốt quá trình di chuyển.

"Từ cung cách đón tiếp, nói chuyện cho đến kỹ năng lái xe chuyên nghiệp của tài xế trong suốt chuyến đi khiến tôi an tâm giao xe cho họ. Tôi chưa sử dụng dịch vụ nào có tài xế mặc vest, đi giày tây, bảo quản tài sản của khách hàng cẩn thận và tạo cảm giác được phục vụ như ông chủ. Rất thú vị và đáng trải nghiệm", một khách hàng (đề nghị không nêu tên) từng sử dụng dịch vụ bày tỏ.

Gần một tiếng di chuyển từ đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) đến khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) với vận tốc ổn định 30-40 km/h, "không ga rồ, phanh dúi", 9h45 tối tài xế Châu đưa vị khách về đến nhà.

Sau khi đỗ xe vào bãi, bàn giao chìa khóa cho khách, anh xin phép ra về và tiếp tục chờ cuộc gọi tiếp theo từ tổng đài. "Chỉ cần có nhiều khách đặt, mệt đến mấy tôi cũng làm vì biết người dân dần quan tâm và đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu", anh Châu nói.


Nguồn VNexpress.net